Tôi là ai? Triết lý Vedanta về sự phân định thật giả về Ngã.

Trước hết hãy giải quyết câu hỏi “Tôi là ai?” rồi tất cả các câu hỏi khác sẽ tự động được giải quyết – Swami Sivananda.

Triết lý Vedanta là gì?

Triết lý của Yoga được gọi là triết lý Vedanta có nguồn gốc từ sách kinh Veda. Từ Vedanta được trích từ gốc của tiếng Sankrit “vid” nghĩa là biết và “Anta” nghĩa là kết thúc, tận cùng. Vì thế Vedanta theo nghĩa đen là tận cùng của kiến thức. Triết lý Vedanta có tên gọi như thế vì nó giải thích cái gì là sự tận cùng và làm sao đạt được sự tận cùng đó. Nó là triết lý dạy sự thống nhất trong cuộc sống, hay sự ý thức tất cả đồng nhất là một. Nó là triết lý siêu phàm vốn tuyên bố thẳng thừng rằng Linh hồn cá nhân (Jiva) giống hệt với linh hồn Tối Cao hay Brahman. Dựa trên nền tảng là tất cả đều có chung một Bản Ngã, đây là triết lý duy nhất có thể tái hợp nhất tất cả các tôn giáo khác nhau, những văn hóa khác nhau, những chủng tộc khác nhau, và những tính cách khác nhau. Kiến thức này được trao cho chúng ta bởi các Rishi, các nhà hiền triết đã giác ngộ, họ vốn là những người đã đạt được kiến thức cấp cao nhất. Những Rishi đã dạy rằng bản chất của Atma hay Bản Ngã là Sat Chit Ananda.

Bản ngã chính là Sat – Chit – Ananda

Sat nghĩa là sự tồn tại tuyệt đối. Nó có nghĩa là chúng ta là những linh hồn bất tử, chúng ta không hề được sinh ra và cũng không hề chết đi. Chúng ta có một cơ thể chẳng qua để giải quyết nghiệp của ta, là tạm bợ. Hãy luôn nhớ là có một chiều không gian khác của chúng ta vốn vượt lên trên khỏi cơ thể và những gì liên quan đến cơ thể, và những thay đổi diễn ra khi đang trong cơ thể. (Những mối quan hệ với người trong gia đình chỉ liên quan đến cơ thể và những nghiệp của riêng kiếp người này, chúng ta cần phải lo tròn các bổn phận, nhưng với nhận thức rằng kinh nghiệm học hỏi này chỉ là để cho cá nhân chúng ta tăng trưởng chứ không phải vì vô số những người cha, người mẹ, chồng, vợ và con của kiếp này hay những kiếp trước. Sự tách rời ra cũng cần đến khi cơ thể trở nên già đi, bị bệnh và cuối cùng là chết). Vì thế, hãy luôn nhớ đến Bản Ngã Bất Tử và trở nên tách rời với cơ thể, và không sợ chết.

Chit là kiến thức tuyệt đối. Nó có nghĩa là chúng ta là Bản Ngã của tất cả, chúng ta biết mọi điều vì ta là ý thức của tất cả. Chúng ta là người chứng kiến hay người quan sát tất cả những hiện tượng có tính thay đổi, tất cả những tên gọi hay thay đổi và tất cả những hình dáng hay thay đổi. Lấy câu chuyện ẩn dụ về tấm phông màn vốn luôn như vậy trong lúc có nhiều bộ phim khác nhau được chiếu lên nó, hoặc người diễn kịch sẽ luôn là một người cho dù có đóng bao nhiêu vai chăng nữa. Kiến thức, theo như Yoga, không phải là kiến thức của trí tuệ hay bằng cấp mà là kiến thức về Bản Ngã vốn có được từ sự trải nghiệm Chân Lý. Yoga là một phương pháp khoa học để tìm thấy Chân Lý.

Ananda nghĩa là phúc lạc tuyệt đối. Phúc lạc tuyệt đối nghĩa là tất cả những khổ sở của chúng ta chỉ là ảo tưởng. Giống như bạn bị cọp rượt đuổi trong mơ vậy, và bạn đã rất hoảng sợ. Điều duy nhất để có thể thoát khỏi con cọp đó là thức dậy. Đối với một yogi, trần thế này như một giấc mộng, và trong lúc nó tương đối có thật đấy, nó chỉ là thật khi bạn đang ngủ. Khi bạn thức dậy, mộng tan. Sự giác ngộ thì tương tự như trạng thái thức dậy, và nhìn thấy sự vật như là chính chúng. Chúng ta qua sợ rất nhiều điều vì nghĩ rằng chúng là thật. Giống như câu chuyện ngụ ngôn về việc nhầm tưởng sợi dây thừng là con rắn. Một người đi trong đêm tối nghĩ rằng mình đã dẫm phải một con rắn, anh ta hoảng sợ và bắt đầu bỏ chạy, anh ta gần như đứng tim. Những khi đèn sáng, anh ta nhận ra có sự lầm tưởng, chỉ là sợi dây thừng thôi. Có một con rắn hồi nào đâu. Con rắn có chăng là ở trong tâm trí anh ta mà thôi. Không hề có bạn hay thù, sự phân biệt bạn thù này chỉ ở trong tâm trí mà thôi. Cũng là một người mà bạn yêu thương sẽ nhanh chóng trở thành kẻ thù của bạn khi tâm trí bạn thay đổi. Bạn ham muốn vật gì đó và vật ấy trông rất hay, nhưng khi bạn có nó rồi, ảo tưởng không còn. Lúc ấy bạn lại chạy đuổi theo một thứ khác.

Hạnh phúc là bản chất thực của chúng ta. Không hạnh phúc và tiêu cực là không có thật. Có câu chuyện kể về một con sư tử so sinh nghĩ rằng nó là một con cừu do nó được nuôi bởi một cừ mẹ và sống chung với bầy cừu suốt cả quãng đời của nó. Nó quên mất bản chất thực của nó là một con sư tử cho đến khi một con sư tử khác (Guru) đến, và chỉ cho nó thấy bản chất thực sự của nó. Do vậy, biết rằng thực tế không một điều gì có thể làm tổn thương chúng ta và rằng Bản Ngã luôn ở đó, chúng ta đối mặt với những thách thức bằng sự dũng cảm hơn là sự yếu đuối.

Chúng ta luôn than vãn và kêu khóc do gắn kết và ham muốnvì ta quên bản chất thực của ta là Sat Chit Ananda. Thực hành đặt câu hỏi “Tôi là ai?”hay tự vấn và thực hành phân định (suy nghĩ đúng) cuối cùng sẽ giúp ta đối diện với những ảo tưởng và bột bỏ đi sự đồng hóa ta với những gì không phải là Bản Ngã hoặc với cái tâm trí hay thay đổi, nhờ đó ngộ ra Bản Ngã thực sự của ta là Sat Chit Ananda.

Tóm lại, tất cả các phương pháp Yoga đều đưa ta đến sự ngộ ra bản chất thực của ta và giải thoát ta khỏi những khổ sở vốn bắt nguồn từ việc đồng hóa ta với cơ thể, tâm trí và cái tôi của ta. Đây là mục đích thực sự của Yoga.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *